Đ/c: Ba Đồn - Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình. Tel: 052.3514658 Email: contact@thpt-so1quangtrach-quangbinh.edu.vn
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Diễn đàn Ý kiến

Trang chủ >> Sử


Suy nghỉ về việc tích hợp kiến thức liên môn trong giảng dạy GDCD ở trường THPT
25-12-2015

SUY NGHĨ VỀ VIỆC TÍCH HỢP KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢNG DẠY GDCD Ở TRƯỜNG THPT

 

Trong lí luận dạy học, tích hợp được hiểu là sự kết hợp một cách hữu cơ, có hệ thống, ở những mức độ khác nhau, các kiến thức, kĩ năng thuộc các môn học khác nhau hoặc các hợp phần của bộ môn thành một nội dung thống nhất, dựa trên cơ sở các mối liên hệ về lí luận và thực tiễn được đề cập đến trong các môn học hoặc các hợp phần của bộ môn đó.

Khoa học sư phạm nhấn mạnh dạy tích hợp là dạy cách tìm tòi sáng tạo và cách vận dụng kiến thức vào các tình huống khác nhau. Tức là, dạy cho học sinh biết cách sử dụng kiến thức và kĩ năng của mình để giải quyết những tình huống cụ thể, nhằm mục đích hình thành, phát triển năng lực. Đồng thời chú ý xác lập mối liên hệ giữa các kiến thức, kĩ năng khác nhau của các môn học hay các phân môn khác nhau để bảo đảm cho học sinh khả năng huy động có hiệu quả những kiến thức và năng lực của mình vào giải quyết các tình huống tích hợp.

Tích hợp kiến thức liên môn là một trong những nguyên tắc quan trọng trong dạy học, nhất là đối với môn Giáo dục công dân. Vận dụng nguyên tắc này không chỉ phát huy tính tích cực học tập, mà còn hình thành cho học sinh kĩ năng sống và giải quyết các vấn đề của cuộc sống; đồng thời không chỉ giúp giáo viên dạy môn Giáo dục công dân khẳng định được vị trí quan trọng của môn học, mà còn thay đổi được cách nhìn nhận chưa đúng của xã hội về môn học này. Đồng thời, dạy học liên môn là sự vận dụng những nội dung và phương pháp các lĩnh vực, các môn học có liên quan để nhằm tăng hiệu quả dạy học GDCD và làm sáng tỏ những kiến thức mà học sinh được học trong mỗi bộ môn. Việc dạy học liên môn làm cho các em nhận thức sự phát triển của xã hội một cách liên tục, thống nhất, mối liên hệ hữu cơ  giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội, hiểu được tính toàn diện của xã hội. Điều này khắc phục được tính tản mạn trong kiến thức của học sinh.

Hiện nay, khi mà tích hợp kiến thức liên môn trong dạy học đang được các nước phát triển sử dụng phổ biến thì ở nước ta nguyên tắc này còn khá xa lạ và mới mẻ, thậm chí nhiều giáo viên còn không biết đến khái niệm, bản chất của dạy học tích hợp là gì?. Đã từ lâu bộ môn GDCD theo quy định của Bộ GD, của chính phủ , của Sở GD đã yêu cầu lồng ghép, tích hợp nhiều nội dụng quan trọng để nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của xã hội như:  tích hợp, lồng ghép các vấn đề giáo dục pháp luật an toàn giao thông trong trường học thông qua việc thực hiện công văn liên bộ giữa Bộ Giáo dục - đào tạo và Bộ Giao thông vận tải... Kế tiếp là tích hợp, lồng ghép các môn học về giáo dục quốc phòng; giáo dục dân số và sức khỏe sinh sản vị thành niên; giáo dục bảo vệ môi trường; giáo dục giá trị, kỷ năng sống; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Và gần đây là việc tích hợp, lồng ghép giáo dục chương trình phòng chống tham nhũng; phòng chống tác hại game online có nội dung bạo lực, không lành mạnh cũng đang được Bộ Giáo dục - đào tạo “gửi gắm” vào bộ môn Giáo dục công dân. Do vậy giáo viên dạy Giáo dục công dân đã được làm quen và vận dụng nguyên tắc dạy học tích hợp từ khá sớm. Thế nhưng, trong thực tế giảng dạy, phần lớn giáo viên đã vận dụng nguyên tắc này một cách sơ sài, qua loa, dạy cho có, hầu hết mới chỉ dừng lại ở mức độ liên hệ thông thường, thậm chí có giáo viên còn bỏ qua...và cho rằng do học sinh lười học bộ môn vì không thi cử và kiến thức trong SGK dạy không hết, không có thời gian đâu để tích hợp…Do đó, chưa phát huy được tính tích cực trong học tập của học sinh, chưa đạt được hiệu quả trong giảng dạy của giáo viên.

Trong năm học 2014 -2015 bản thân đã áp dụng nguyên tắc dạy học tích hợp kiến thức liên môn  và luôn xem đây là một trong những nguyên tắc quan trọng trong dạy học, nhất là đối với môn Giáo dục công dân.Với phương pháp tích hợp kiến thức liên môn vào dạy bộ môn GDCD hiệu quả nhất đó là học sinh đã hứng thú với môn học, điều mà các giáo viên dạy GDCD mong muốn nhất. Đồng thời phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh trong việc khám phá, lĩnh hội các tri thức mới. Qua đó cũng giúp hình thành và rèn luyện cho học sinh các kỹ năng sống như: Tự nhận thức, tìm kiếm và xử lí thông tin, tìm kiếm sự hỗ trợ, giao tiếp có hiệu quả, hợp tác...đáp ứng được mục tiêu của giáo dục hiện nay.

Dựa vào việc khảo sát thực tiễn: Trong năm học 2014- 2015, tiến hành khảo sát chất lượng học sinh 3 lớp ở khối 12 khi chưa áp dụng tích hợp kiến thức  liên môn vào bài học, cụ thể :  kết quả đạt được: Tỷ lệ HS đạt TB trở lên: 89,1%;  Tỷ lệ HS đạt khá, giỏi:66%;  Tỷ lệ HS yếu:3,6%. Sau khi áp dụng tích hợp kiến thức liên môn, cũng những câu hỏi như trên thực hiện kiểm tra ở cả ba lớp đã cho kết quả:  100% số học sinh hiểu bài mức độ TB trở lên;   89,9% số học sinh hiểu bài mức độ khá và tốt.

Qua đó cho thấy, với phương pháp tích hợp kiến thức liên môn vào dạy bộ môn GDCD không những HS hứng thú với môn học vốn được xem là khô khan mà chất lượng môn học cũng được tăng lên đáng kể.

Từ kết quả thu được và hơn nữa từ bản thân môn Giáo dục công dân (vốn đã là một môn học tổng hợp, bao gồm các kiến thức: triết học; đạo đức; kinh tế - chính trị học; chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước... lại còn được tích hợp, lồng ghép các nội dung từ khá sớm, thiết nghĩ việc tích hợp, lồng ghép các nội dung kiến thức liên quan vào bài học là không khó, hoàn toàn có tính khả thi trong việc phát huy hơn nữa khả năng tự học của người học, cũng như góp phần hình thành và rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh, đáp ứng được mục tiêu giáo dục hiện nay.

Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc này vào trong dạy học còn gặp nhiều khó khăn do sách báo, tài liệu tham khảo, cơ sở vật chất, trang thiết bị... phục vụ cho quá trình dạy học bộ môn còn thiếu ; đời sống của giáo viên Giáo dục công dân cũng còn nhiều khó khăn nên khó tự trang bị. Hơn nữa, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, sưu tầm các tư liệu điện tử, tranh ảnh, phim liên quan đến nội dung bài học của một số GV còn hạn chế; việc chuẩn bị giáo án điện tử đòi hỏi rất công phu nên nhiều khi giáo viên còn ngại thực hiện.

Tuy nhiên nếu tất cả các GV có tâm huyết, có quyết tâm, cố gắng khắc phục những khó khăn trên thì tôi tin chắc chắn nguyên tắc dạy học tích hợp kiến thức liên môn có thể áp dụng một cách thành công, thiết thực, hiệu quả .

 

                                                                                 GV: Phạm Vân Anh

Xem bài khác
  • Một số kinh nghiệm bồi dưỡng HSG môn lịch sử THPT        (26-12-2014)
  • Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học        (05-11-2014)
  • Thử “ bàn” thêm nguyên nhân Liên Xô tan rã ?        (17-09-2014)
  • Giới thiệu sách Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam        (15-01-2014)
  • Các bài mới đăng
  • An toàn giao thông, vấn đề rất được quan tâm hiện nay        (27-03-2016)
  • Suy nghỉ về việc tích hợp kiến thức liên môn trong giảng dạy GDCD ở trường THPT        (25-12-2015)
  • Một số kinh nghiệm bồi dưỡng HSG môn lịch sử THPT        (26-12-2014)
  • Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học        (05-11-2014)
  • Thử “ bàn” thêm nguyên nhân Liên Xô tan rã ?        (17-09-2014)
  • Giới thiệu sách Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam        (15-01-2014)
  • Làm thế nào để học sinh hứng thú học môn giáo dục công dân        (25-12-2013)
  • Xuất xứ cặp ngà voi trong dinh độc lập        (21-10-2013)
  • LỒNG GHÉP GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUA GIẢNG DẠY ...        (16-01-2013)
  • TẠO HỨNG THÚ HỌC HƠN CHO HỌC SINH ...        (16-01-2013)